Nếu như những ngày hè nắng nóng mà theo các bạn là khi lên núi ngửi mùi nhang là đã thấy khó chịu rồi
Vậy thì bây giờ chúng ta cùng làm một chuyến du lịch về miền Tây sông nước
Nếu đến Đà Lạt bạn được hòa mình trong không khí se lạnh của chợ Âm Phủ, lên Sapa cảm nhận dư vị ấm áp của chợ tình thì về miền quê sông nước Miền tây bạn sẽ tìm được cho mình niềm vui nho nhỏ với chợ bồng bềnh trên mặt sông.
Một lần đến với chợ nổi là mãi không thể quên cái không khí đông vui, tấp nập đó.Miền Tây, nơi những dòng sông cùng hội tụ thành vùng đất “chín rồng” cây trái xum xuê.
Vùng đất sông ngòi chằng chịt, nơi có những đứa trẻ chưa biết chạy đã lặn ngụp trên sông, và thuyền bè thay xe cộ làm phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân tại đây. Nơi mà chợ có khi không họp trên đất mà họp trên mặt nước, và người ta không bày hàng hoá trên sạp mà treo trên những cây sào dài vốn được người dân địa phương quen gọi là bẹo. Những cây bẹo vui mắt treo lủng lẳng đủ loại rau củ quả đầy màu sắc đã làm tươi mới cả một vùng chợ nổi vốn đã rất tưng bừng và nhộn nhịp.
Ở miền Tây có nhiều chợ nổi, nhưng nổi tiếng nhất là chợ nổi Cái Bè (huyện Cai Lậy - tỉnh Tiền Giang), chợ nổi Cái Răng, Phong Điền (Châu Thành - Cần Thơ), chợ nổi Ngã Bảy (Phụng Hiệp - Cần Thơ), chợ nổi Ngã Năm (Thạnh Trị - Sóc Trăng), chợ nổi Sông Trẹm (Thới Bình - Cà Mau) v.v…
Chợ nổi nhóm họp cả ngày nhưng đông nhất là vào buổi sáng, khi trời còn mát và nắng hãy còn dìu dịu. Còn gì thư thái và thoải mái hơn khi giữa tinh sương ngày mới được dập dềnh trên chiếc xuồng ba lá len lỏi giữa chợ họp trên sông đông vui, tấp nập, căng lồng ngực hít lấy hít để không khí trong lành của gió mang hương cây trái và sông nước miền Nam, và lặng mình ngắm đôi má đỏ hây hây của những thiếu nữ miệt vườn đằm thắm, dịu dàng đang khua mái chèo trên sóng nước. Và sẽ yêu, sẽ nhớ lắm tiếng ồn ào đặc trưng của chợ nổi - tiếng tành tạch của ghe xuồng đang rẽ sóng, tiếng mặc cả, tiếng mời chào, í ới gọi nhau hối hả…
Nét văn hoá đầu tiên chính là văn hoá mua bán. Do chỉ giao dịch trong thời gian quá ngắn, nên giữa người nông dân, thị dân và giới thương hồ đã có một quy ước mua bán sòng phẳng. Đây là những thoả thuận không có văn bản được hình thành từ khá lâu, được sàng lọc qua nhiều thời kỳ và được mọi người mặc nhiên chấp nhận.
Trước hết là kiểu cách “bẹo hàng”. Chủ ghe bán hàng gì cứ treo lên ngọn sào trước mũi, kể cả hai, ba thứ hàng. Từ xa, ai thấy cần mua thứ gì thì đến ngã giá. Đây là một kiểu thông tin “tín hiệu”, khỏi phải rao hàng nhọc công. Có thể nói “bẹo hàng” là một sáng tạo độc đáo, một lối tiếp thị, quảng cáo được hình thành khá sớm, chỉ chợ nổi mới có. Tờ mờ sáng đến chợ nổi, thấy ghe xuồng tấp nập, sào “bẹo hàng” nhô cao lên với trái cây, rau củ, lủng lẳng nhìn thật lạ mắt!
Chữ “tín” và nguyên tắc “sòng phẳng” trong hoạt động mua bán ở chợ nổi luôn được đề cao. Việc thoả thuận mua bán dù với khối lượng hàng hoá cả chục tấn cũng chỉ bằng miệng, không cần giấy tờ, thế nhưng hai bên rất tôn trọng. Đây cũng là điều khiến cho người mua bán ở chợ nổi rất ít khi tranh cãi, kiện cáo.
Ở chợ nổi, nguyên tắc mua bán là “thuận mua vừa bán”, “tiền trao cháo múc”, không có khái niệm “mua chịu, bán chịu”, “thiếu nợ”, mua hàng rồi đổi lại, trả lại... Bởi mua bán xong rồi, mạnh ai nhổ sào lui ghe.
Do yếu tố cạnh tranh gay gắt, các giới nông dân, thương lái, thường xuyên nắm được mặt bằng giá cả nên người bán ít nói thách như chợ trên bờ.
Văn hoá giao tiếp cũng là một yếu tố không thể thiếu của chợ nổi. Cũng giống như các chợ trên bờ, người bán hàng ở chợ nổi là dân tứ xứ đến “cắm sào” kiếm sống. Họ đã hình thành tập quán “buôn có bạn, bán có phường” từ hàng trăm năm qua, từ đó nảy sinh các mối quan hệ giao tiếp với nhau lâu ngày thành các giá trị văn hoá. Đó là tình đoàn kết tương thân, tương ái. Các xuồng, ghe neo đậu dài ngày chờ bán hết hàng, thường coi nhau như người lối xóm (xóm trên sông) nên dù xa lạ nhưng họ lại nhanh chóng trở nên thân thiết, có gì cần cứ kêu nhau. Thuyền, ghe mắc cạn, hư máy thì họ sẵn sàng phóng xuống sông đẩy giúp, gặp sóng to, gió lớn, ghe chở khẳm vô nước sắp gặp nguy, người ghe khác nhảy qua tát nước. Ghe nào có người bệnh, người qua đời đột ngột thì nhiều ghe khác xúm lại lo toan. Sau giờ mua bán rỗi rảnh, họ thường rủ nhau nhậu lai rai với vài ba chén rượu đế, một ít mồi nhắm. Trong men rượu họ hỏi thăm nhau về quê hương, gia cảnh, việc buôn bán lỗ, lời... Từ đó, có thể kết thành “huynh, đệ”, bằng hữu, hẹn có dịp gặp lại nhau trên bước thương hồ.
"Bán Sao chị, bán rẻ đi em mua nhiều"
Có thể khẳng định chợ nổi là nét hoạt động buôn bán đặc thù ở đồng bằng sông Cửu Long, và hoạt động giao thương ngày càng sôi động, phát triển thì các giá trị văn hoá mới cũng theo đó hình thành. Các chợ nổi ở đồng bằng sông Cửu Long đã góp phần tích cực vào công cuộc mở mang và phát triển kinh tế ở miền Tây Nam bộ, tạo nên các giá trị văn minh thương nghiệp sông nước với bản sắc độc đáo, chứng tỏ tính năng động của vùng đất cực Nam Tổ quốc, luôn tìm tòi cái mới và nỗ lực hướng về tương lai. Và hiện nay, những giá trị ấy đang rất cần được bảo tồn và phát huy.
Nào các mema1
các bạn có cảm thấy sông nước mát mẻ và rất tuyệt
Đúng không